Mía chẳng ngọt hai đầu
Ngày đăng:28-04-2022
Có câu “Mía chẳng ngọt 2 đầu”, ý chỉ mọi việc ở đời đều không có gì là như ý, là tuyệt đối cả. Tương tự như cây mía, phần gốc thì ngọt nhưng lại cứng, phần ngọn thì mềm hơn nhưng khá nhạt, còn phần giữa vừa mềm vừa ngọt.
Vạn vật trong vũ trụ sinh ra đều mang trong nó những đặc tính cố hữu và không phải cái gì cũng hoàn hảo. Con người sống ở đời cũng thế, mía đâu có ngọt hai đầu, đời đâu phải lúc nào cũng như ý. Vậy nên, hãy gạt mọi nỗi lo lắng qua một bên để sống hạnh phúc mỗi ngày.
Người ta thường hay ví bao nỗi buồn khổ trong cuộc đời giống như những cơn bão giông ướt át, nhưng lại ít để ý đến một điều đơn giản và hiển nhiên: sau mỗi trận mưa giông vạn vật đều trở nên tốt tươi, tràn đầy sức sống. Vả lại đâu có cơn mưa nào cứ mưa mãi mà không tạnh bao giờ?
Chuyện kể rằng: ở một khu phố cổ xưa nọ có một bà lão tuổi đã quá lục tuần, mái tóc bạc trắng, khuôn mặt già nua khổ lụy…
“Bà già hay khóc”
Ngày ngày bà hay ngồi bên bậc cửa, sát cạnh vỉa hè. Điều đặc biệt ở lão bà này là người ta thấy bà luôn luôn khóc: Sáng cũng khóc, chiều cũng khóc, ngày nắng cũng khóc, ngày mưa bà cũng khóc. Chẳng ai biết tên thật của bà lão là gì nhưng người ta quen gọi bà là “Bà già hay khóc”.
Một hôm có một người tu luyện Đạo Pháp tình cờ đi qua, thấy lạ bèn hỏi:
– Có chuyện gì khiến bà lão buồn khổ vậy?
Bà lão gạt đôi hàng lệ đục ngầu đang lăn dài trên khóe mắt già nua, sụt sùi than vãn:
– Vốn là nhà tôi chỉ sinh thành được hai cậu con trai, chúng nó đều đã khôn lớn cả rồi, lại cũng yên bề gia thất. Thằng lớn thì ngày ngày bán tiệm giày nơi đầu phố, còn thằng út thì có cửa hiệu bán dù (ô) ở cuối phố. Các con tôi đều rất mực hiếu thảo với song thân…
Người tu Đạo lấy làm ngạc nhiên lắm, hỏi tiếp:
– Bà lão ơi, vậy thì hà cớ gì mà bà phải khóc?
– Ngài chẳng biết đâu, tôi thương và lo lắng cho chúng lắm. Bà lão lại sụt sịt phân trần: Này nhé, hôm nào trời mưa thì tôi khóc thương cho cậu con trai cả vì nó không bán được giày; còn trời tạnh ráo thì tôi khóc thương cho cậu con út, vì sẽ chẳng có mấy ai đến mua dù của nó!
Nghe bà lão nói xong, người tu Đạo bật cười an ủi:
– Này hỡi cụ bà tội nghiệp, chính là bà nên vui mới phải. Này nhé, bà nghĩ xem: Hôm nào trời nắng thì cậu con trai cả nhà bà sẽ bán được rất nhiều giày, còn như hôm nào trời mưa thì cửa hiệu dù của cậu út nhà bà chẳng phải sẽ đắt khách lắm sao?
Bà lão giật mình tỉnh ngộ, nói:
– Phải, phải! Chính là đạo lý này. Vậy mà tại sao bao nhiêu năm nay già đây lại không nghĩ ra nhỉ!
Nói đoạn rồi bà cụ chắp tay thi lễ, cảm ơn người khách tu Đạo kia nhiều lắm lắm!
Từ đó, những kẻ lại qua nơi phố cổ thường bắt gặp một bà lão ngồi bên bậc cửa với vẻ mặt rạng rỡ. Có một điều lạ khiến người ta chú ý là bà lão luôn luôn mỉm cười hạnh phúc. Ngày nắng bà cũng cười, ngày mưa cũng lại cười. Vẫn chẳng ai biết tên thật của bà cụ là gì, nhưng người ta quen gọi bà lão kỳ lạ ấy là: “Bà lão hay cười”.
Câu chuyện về “Bà già hay khóc” giúp chúng ta nhận ra một đạo lý: cùng một sự việc, hiện tượng, hoặc là các mối quan hệ giữa con người với con người nhưng nếu ta thay đổi cách nhìn, cách nghĩ, quan niệm thì kết quả sẽ khác đi. Nhìn ở phương diện này thì bạn thấy có thể là xấu, nhìn ở phương diện khác nó có thể lại là tốt. Chỉ vì có cái nhìn tiêu cực, bi quan mà bà lão trong câu chuyện trên cứ phải buồn khổ. Nhưng khi thay đổi góc nhìn từ tiêu cực, bi quan thành tích cực, lạc quan thì bà lão lại trở thành người vui vẻ, hạnh phúc nhất!
Có lẽ đây chỉ là câu chuyện mang tính chất ngụ ngôn. Nhưng giữa đời thường hiện nay, những người mang cách nghĩ, cách nhìn cuộc sống như nhân vật “bà già hay khóc” này cũng không phải là hiếm gặp. Nhiều người trong chúng ta thường mang theo những quan niệm tiêu cực, phụ diện khi nhìn nhận và giải quyết các vấn đề trong cuộc sống.
Thế nhưng nếu ta biết thay đổi quan điểm, cách nhìn nhận đối đãi với vạn sự vạn vật một cách tích cực và chính diện hơn thì chắc chắn chúng ta sẽ có thể thay đổi được nhiều tình huống và nhiều sự việc, giải quyết được nhiều khó khăn, thoát khỏi được nhiều nghịch cảnh, tránh khỏi được nhiều thương đau!
Thay cho lời kết:
“Mía chẳng ngọt hai đầu”, ý tứ là: mọi việc ở đời đều không có gì là như ý, là tuyệt đối cả, giống như cây mía nọ: Phần gốc thì ngọt nhưng lại cứng; phần ngọn thì mềm hơn nhưng khá nhạt! Nếu biết gạt bỏ những quan niệm tiêu cực và luôn mang theo tư tưởng lạc quan, chính diện thì bạn sẽ cảm nhận được mình luôn luôn nắm giữ khúc giữa của “cây mía cuộc đời”: Nó vừa đủ cân bằng, không quá nhạt cũng không quá ngọt; không quá mềm lại cũng không quá cứng. Ồ thật tuyệt! Vậy xin hãy quẳng bỏ gánh lo đi!
Người ta thường hay ví bao nỗi buồn khổ trong cuộc đời giống như những cơn bão giông ướt át, nhưng lại ít để ý đến một điều đơn giản và hiển nhiên: sau mỗi trận mưa giông vạn vật đều trở nên tốt tươi, tràn đầy sức sống. Vả lại đâu có cơn mưa nào cứ mưa mãi mà không tạnh bao giờ!
Nguồn : Sưu tầm