Kombucha là gì? Hướng Dẫn Pha Trà Kombucha

Ngày đăng:02-01-2022

Kombucha là một loại trà lên men tự nhiên, sủi bọt có hương vị thơm lừng đang ngày càng trở nên phổ biến. So với nhiều lựa chọn bổ sung probiotic khác như mua sữa chua đóng hộp, kombucha cho gấp ít nhất x3 lần số lượng lợi khuẩn.

Kombucha là cái tên được người Nhật hay gọi, ngoài ra nó còn được gọi là nấm thủy sinh, nấm Trường sinh và Thủy Hoài Sâm (do người Trung Quốc gọi).

Thành phần chính để chế biến trà Kombucha đó là trà, đường và con giống SCOBY (viết tắt của Symbiotic Colony of Bacteria and Yeast, nghĩa là cộng sinh của vi khuẩn và nấm men). Nếu bạn đã biết quá trình lên men giấm sinh ra một lớp màng trắng mà chúng ta hay gọi là "con giấm" hay "con giấm cái" thì Scoby cũng tương tự như vậy đấy.

Trong quá trình lên men, Scoby làm phá vỡ cấu tạo của carbohydrate có trong đường và giải phóng vi khuẩn probiotic (một dạng vi khuẩn và nấm men có lợi cho hệ tiêu hóa). Kết quả tạo nên một thức uống có chứa hàm lượng cao axit (bao gồm axit acetic, gluconic và lactic) cùng với vitamin B, và enzyme.

Cách làm Kombucha tại nhà cũng rất dễ dàng, dùng được cho cả tuần và sẽ tiết kiệm cho bạn một khoản chi phí đáng kể. 

Chuẩn bị nguyên liệu và dụng cụ

- Trà xanh, hoặc trà đen: 4gr (tương đương 2 túi trà lọc).

- Đường trắng: 100gr.

- Nước: 1 lít.

- Bình thủy tinh miệng rộng: dung tích 3 - 5 lít.

- Con giống Kombucha Scoby: 1 con.

Lưu ý:

- Nước trà đường dùng để nuôi Kombucha theo công thức: cứ 1 lít nước + 100g đường + 4g trà.

- Chỉ nên sử dụng bình thủy tinh vì khi lên men sẽ tạo ra axit, nếu dùng bình nhựa hoặc kim loại thì sẽ không tốt cho sản phẩm lên men, thậm chí làm chết Kombucha.

- Nên vệ sinh và khử trùng bình sạch sẽ trước khi dùng.

Các bước nuôi Kombucha Scoby

- Bước 1: Đun sôi nước, thả trà vào ngâm khoảng 5 phút và cho đường vào khuấy đều. Sau đó, để trà đường thật nguội trước khi đổ vào bình thủy tinh.

- Bước 2: Rửa tay sạch, lau khô và đeo găng tay vào, rồi vớt con nấm Kombucha rửa sạch với nước để loại bỏ cặn trà bám trên nó.

- Bước 3: Tiến hành thả nhẹ nấm Kombucha vào bình trà đường, rồi dùng một miếng vải thưa phủ lên miệng bình và cột bằng sợi thun. Điều này sẽ giúp tránh côn trùng xâm nhập cũng như tạo điều kiện cho vi khuẩn của men nấm có không khí để trao đổi chất và dễ lên men hơn.

- Bước 4: Đặt bình nấm ở chỗ mát, tránh ánh nắng chiếu trực tiếp.

- Bước 5: Vài ngày sau, nấm sẽ sinh thêm con và chúng sẽ nổi lên mặt nước. Đồng thời cứ khoảng 3 ngày, thì bạn nên kiểm tra 1 lần về độ chua của trà nấm xem coi có hợp khẩu vị hay không?

- Bước 6: Thử trà có độ chua và độ ngọt phù hợp, hương thơm nhẹ và có chút ga, thì bạn nên dừng quá trình lên men để sử dụng bằng cách chắt lấy nước cho vào chai khác, rồi để vào tủ lạnh dùng dần. Đồng thời, nấm Kombucha bạn có thể cho vào lọ khác, để tiếp tục nuôi.

Sau khi đã lên men thành công, bạn chỉ cần bảo quản Kombucha ở ngăn mát tủ lạnh. Bạn hãy lưu ý không cho muỗng bị dơ tiếp xúc với Kombucha hoặc uống trực tiếp lên miệng bình, vì điều này sẽ khiến vi khuẩn đi vào Kombucha và gây hư hỏng.

Những lưu ý khi nuôi Scoby

- Tỷ lệ chuẩn cho công thức nuôi Scoby là: 2 túi trà (khoảng 4g) : 100g đường : 1 lít nước. Tuy nhiên tỷ lệ này sẽ thay đổi đối với những lần nuôi sau. Ở những lần sau, bạn cần tăng lượng nước lên từ 1.5 - 2.5 lít trà đường.

- Bạn có thể dùng nhiều loại trà để nuôi nấm scoby như trà đen, trà vàng, trà từ các loại hoa khô (trà hoa cúc, trà atiso,...), trà lipton, trà đào, trà atiso... Ngoài ra, bạn cũng có thể bổ sung thêm chất tạo mùi theo ý thích. Tuy nhiên theo chia sẻ lại của những có kinh nghiệm nuôi Kombucha thì nuôi bằng loại trà hữu cơ, trà nguyên chất sẽ cho ra Kombucha có hương vị tuyệt hảo.

- Đường để nuôi Kombucha cũng nên sử dụng loại đường nguyên chất, không có chất tẩy. Nếu không tìm được loại đường nguyên chất có thể dùng loại đường vàng không tẩy. Lưu ý nếu sử dụng đường có màu sáng thì nước Kombucha sẽ có màu sáng, trong, ngược lại nếu dùng đường nâu, đường vàng thì nước Kombucha sẽ có màu đậm hơn nhưng chất lượng thì không đổi.

- Khi nuôi Scoby, bắt buộc phải dùng hộp/bình đựng thủy tinh vì nếu dùng hộp đựng bằng kim loại sẽ gây ra một số phản ứng hóa học làm ảnh hưởng chất lượng Kombucha. Bình thủy tinh nuôi Kombucha cũng phải dùng loại tốt, dày, miệng rộng, dễ vệ sinh.

- Thời gian xảy ra quá trình lên men nấm không quá 10 ngày. Sau thời gian này, nấm có thể bị lên men quá mức làm ảnh hưởng đến hương vị cũng như chất lượng Kombucha.

- Đối với con giống Scoby khi mua về còn mỏng thì bạn nên để thêm 1 ngày trước khi bắt đầu nuôi trong dung dịch trà đường.

- Nếu có nhu cầu vận chuyển Scoby thì có thể dùng hộp nhựa thay cho hộp thủy tinh nhưng bắt buộc phải để trong hỗn hợp nước mồi là trà đường. Nước mồi sau khi sinh nấm thì không được dùng lại, phải bỏ đi để tránh làm ảnh hưởng đến Scoby.

Hướng dẫn sử dụng Kompucha

- Không nên bảo quản trong ngăn đá mà chỉ để ngăn mát, sử dụng trong vòng 1-3 ngày.

- Không dùng trà Kombucha đã lên men quá mức, bị hỏng vì lúc này hương vị và chất lượng đã bị ảnh hưởng, nếu sử dụng gây ảnh hưởng tới sức khỏe.

- Đối với những người có hệ miễn dịch yếu, bị thương, phụ nữ mang thai hoặc cho con bú cũng không nên uống trà Kombucha.

- Người mắc các bệnh dạ dày hoặc liên quan đến hệ tiêu hóa, bụng yếu cũng không nên sử dụng trà Kombucha vì trong trà có những lợi khuẩn dễ làm cho hệ tiêu hóa bị kích ứng.

- Với người bình thường chỉ nên uống khoảng 240ml trà Kombucha/ngày vì Kombucha có chứa khá nhiều đường và calo, đặc biệt trong Kombucha cũng có chứa cồn nên khi uống nhiều có khả năng gây say.

 

Có thể bạn quan tâm :

Chất béo trong cơ thể chúng ta

Bạn cần phải uống bao nhiêu nước hàng ngày?

Lý do bạn nên ăn rau xanh mỗi ngày

Tác dụng của dầu cá đối với sức khỏe

Tác Dụng Của Vitamin C Đối Với Cơ Thể

 

Bài viết liên quan